Ngũ Hành Sơn – Nơi đá hóa tâm hồn

Có người ví, Ngũ Hành Sơn là nơi đá hóa tâm hồn, bởi ở đó đá núi được tạo tác thành những tuyệt phẩm mang hơi thở của cuộc sống và tâm hồn của người nghệ sĩ. Và cũng ở đó, cái tên Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước đã được tôn vinh thành di sản, trở thành một cái tên đáng chú ý trên bản đồ nghệ thuật điêu khắc đá thế  giới.

Sử cũ kể rằng, làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 18. Ông tổ nghề vốn là người gốc xứ Thanh, quê hương của nghề làm đá nổi tiếng xứ Đàng Ngoài.Thuở ban sơ, làng chủ yếu sản xuất các loại cối đá, chày đá, bia mộ đá… để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Đến khoảng đầu thế kỷ 19, khi triều nhà Nguyễn ở Huế cho xây dựng nhiều cung điện, đền đài, lăng tẩm thì nghề điêu khắc đá ở đây thực sự khởi sắc, nhiều thợ giỏi được triều đình trọng dụng mời ra giúp việc xây dựng, có người còn được phong quan.

Điêu khắc đá vốn là nghề vất vả, cực nhọc, người thợ quanh năm tay búa tay dùi, bán mặt cho đá bán lưng cho trời để kiếm lấy hạt gạo nuôi thân, ấy vậy mà suốt mấy trăm năm qua dân làng nghề Non Nước vẫn kiên trì bám trụ để mong giữ lấy nghiệp Tổ và kiếm kế sinh nhai.


Nhà điêu khắc đá Nguyễn Long Bửu, người đầu tiên và duy nhất cho đến nay của làng đá Non Nước
được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Ảnh: Thanh Hòa

Người thợ sử dụng mũi mài nhỏ kết hợp với nước để mài tỉa những đường nét tinh xảo trên tác phẩm điêu khắc đá.
Ảnh: Thanh Hòa
Nghệ thuật điêu khắc đá Non Nước nổi tiếng với kỹ thuật thuật tạc tượng theo chủ đề tâm linh, thần thánh. Ảnh: Thanh Hòa


Thợ điêu khắc đá Non Nước nổi tiếng với tay nghề điêu luyện và tinh xảo. Ảnh: Thanh Hòa

Nghệ thuật điêu khắc đá Non Nước nổi tiếng nhờ kỹ thuật điêu luyện, đường nét sắc sảo, phóng khoáng, bay bổng và ảo diệu như tính cách nghệ sĩ của người dân xứ biển Đà thành.

Sản phẩm điêu khắc đá Non Nước vô cùng phong phú và đa dạng. Người ta có thể làm bất cứ thứ gì chứ không chỉ bó buộc trong một loại hình sản phẩm cụ thể nào; nhưng đặc biệt và đặc sắc hơn cả có lẽ là các loại tượng về chủ đề thần thánh, linh vật, chim muông, cầm thú, đồ trang sức bằng đá, đồ trang trí nội thất bằng đá…

Đặc biệt, người thợ điêu khắc đá Non Nước có thể làm nên những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá tuyệt đẹp với nhiều loại kích cỡ khác nhau, từ những sản phẩm mỹ nghệ có kích cỡ chỉ vài cm như tràng hạt, vòng ngọc, vòng đá, nhẫn đá, dây chuyền đá, trâm cài đầu… cho đến những tượng đài khổng lồ nặng hàng trăm, cho đến hàng nghìn tấn. Tất cả đều được tạo tác một cách tuyệt mỹ và chính xác đến độ hoàn hảo gần như tuyệt đối.

Ngày nay, do thị hiếu của người chơi thay đổi và cũng một phần do phong cách sáng tạo mới của lớp thợ trẻ, nên sản phẩm của làng nghề cũng có bước thay đổi khá mạnh mẽ. Bên cạnh dòng sản phẩm truyền thống, giờ có thêm các sản phẩm mang phong cách hiện đại được thể hiện theo lối trừu tượng, siêu thực, rất phù hợp với việc trang trí cho các công trình kiến trúc hiện đại.

Nghệ nhân Nguyễn Long Bửu, người đầu tiên của làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho biết, hiện nay lớp trẻ theo học nghề chế tác, điêu khắc đá ngày càng nhiều. Ngoài việc kế thừa tinh hoa nghề truyền thống của các bậc tiền bối, nhiều người còn được đào tạo bài bản, chính quy từ các đường đại học chuyên ngành về mỹ thuật. Nhờ đó mà tay nghề và tư duy sáng tác của họ cũng vững vàng, độc đáo và mới lạ hơn so với trước.

Hữu xạ tự nhiên hương, các sản phẩm điêu khắc đá tinh xảo của Non Nước giờ đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Pháp, Canada, Hà Lan, Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan…, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của người dân nói riêng và địa phương nói chung.


Tượng chân dung nhạc sĩ Văn Cao, tác giả bài Quốc ca Việt Nam, của Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Long Bửu. Ảnh: Thanh Hòa
Bộ tượng thiếu nữ Bắc – Trung – Nam của Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Long Bửu. Ảnh: Thanh Hòa
Ngoài các sản phẩm truyền thống, làng đá Non Nước còn sản xuất những sản phẩm có tính ứng dụng cao
trong trang trí nội thất, kiến trúc như đài phun nước, tiểu cảnh, phù điêu, non bộ, đèn đá… Ảnh: Thanh Hòa


Khu vườn tượng và cũng là nơi trưng bày giới thiệu sản phẩm
nằm trên đường Trường Sa của doanh nghiệp Nguyễn Hùng. Ảnh: Thanh Hòa


Bộ tượng hộ pháp bằng đá cẩm thạch đỏ. Ảnh: Thanh Hòa


Một gốc khu vườn tượng của doanh nghiệp Nguyễn Hùng. Ảnh: Thanh Hòa


Tượng Phật Di Lặc bằng đá cẩm thạch trắng. Ảnh: Thanh Hòa


Một số mẫu điêu khắc đá theo phong cách hiện đại. Ảnh: Thanh Hòa


Non bộ đá cẩm thạch hồng được tạc hình theo mô típ truyền thống với hình ảnh tùng,
trúc, cúc, mai và núi non, chim hạc. Ảnh: Thanh Hòa


Tượng Quan Vân Trường được tạc bằng đá cẩm thạch hồng nguyên khối. Ảnh: Thanh Hòa


Tượng chim công múa bằng đá cẩm thạch hồng với hàng nghìn đường tỉa kỳ công, sắc nét. Ảnh: Thanh Hòa


Hàng trăm mẫu trang sức bằng đá chế tác vô cùng tinh xảo được doanh nghiệp Nguyễn Hùng
trưng bày phục vụ du khách. Ảnh: Thanh Hòa

Với tiềm năng và lợi thế trên, Đà Nẵng đã định hướng quy hoạch phát triển làng nghề đến năm 2020 theo phương châm mở rộng làng nghề, phát triển công nghiệp chế tác đá trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển thương mại kết hợp với phát triển du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp và tư nhân đầu tư phát triển quy mô lớn…

Nghề điêu khắc đá phát triển, người dân làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước ăn nên làm ra, cửa hàng cửa hiệu mọc lên san sát hoạt động nhộn nhịp suốt cả ngày. Đặc biệt, dọc theo đường Trường Sa, con đường ven biển đẹp nhất của Đà Nẵng, hàng chục khu vườn tượng tuyệt đẹp của những ông chủ lớn với diện tích mỗi vườn lên đến hàng nghìn mét vuông, trị giá hàng chục tỉ đồng được đầu tư xây dựng rất quy mô, tạo thành khu phố kinh doanh, quảng bá và phục vụ du lịch rất sầm uất và độc đáo ở Đà Nẵng, góp phần đưa thương hiệu “đá mỹ nghệ Non Nước” ngày một vang xa trong và ngoài nước./.


Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước nằm trong quần thể Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Tp. Đà Nẵng. Năm 2014, Làng nghề được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Hiện làng nghề có gần 500 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, gần 4.000 lao động, nhiều doanh nghiệp đã lập website riêng để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Mỗi năm làng đá mỹ nghệ Non Nước sản xuất khoảng 70.000 sản phẩm, giá trị thương mại ước đạt hàng trăm tỷ đồng. Từ năm 2015, Làng nghề đã đưa vào hoạt động khu sản xuất tập trung rộng 35,5ha nằm cách xa khu dân cư và khu du lịch, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững và lâu dài.

Bài viết liên quan